Đó là nội dung chính được đề cập trong hội nghị “Xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023 – 2025”, do Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Hà Nội và một số doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Công nghệ Dinh dưỡng Việt Nhật, Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Toàn Thắng) tổ chức, ngày 6/6/2023, tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đông đảo các đại biểu tham dự hội thảo
Liên kết: “Chìa khóa” giúp hạ giá thành chăn nuôi
Theo ông Trần Duy Hưng – Phó Chủ tịch Liên minh HTX Vĩnh Phúc, chuỗi liên kết là sự kết nối từ quá trình cung cấp dịch vụ đầu vào cho hoạt động sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Hoạt động này được thiết lập dựa trên nhu cầu của thị trường và đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Ông Trần Duy Hưng – Phó Chủ tịch Liên minh HTX Vĩnh Phúc
Đối với đơn vị hỗ trợ, cung cấp vật liệu đầu vào, khi tham gia liên kết sẽ được cácc cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ người sản xuất về hành lang pháp lý, chính sách hỗ trợ và tiếp cận thông tin, khoa học công nghệ mới để nâng cao năng lực, trình độ quản lý, sản xuất. Các quỹ tín dụng tạo điều kiện cho người sản xuất vay ưu đãi vốn với lãi suất thấp vào đầu tư sản xuất thấp đầu tư vào sản xuất.
Liên kết cũng giúp cho người sản xuất tạo được sản phẩm có chất lượng cao, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh cao trên thị trường; đồng thời giúp cho người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
Đơn vị chế biến và tiêu thụ sản phẩm, khi tham gia liên kết với người sản xuất nông sản luôn đảm bảo có được nguồn đầu vào ổn định, chất lượng tốt… tạo điều kiện nâng cao hiệu suất sử dụng máy móc, chất lượng sản phẩm chế biến, từ đó nâng cao hiệu quả chế biến và tiêu thụ nông sản.
Ông Trương Công Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Phúc
Còn theo ông Trương Công Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay ngành chăn nuôi thú y của tỉnh có đàn trâu trên 13.000 con, đàn bò thịt 89.340 con, đàn lợn gần 500.000 con; đàn gia cầm có 12,38 triệu con, gà là chủ yếu.
Chăn nuôi của tỉnh còn có những hạn chế như phân tán, nhỏ lẻ, chủ yếu hình thức hộ gia đình, thiếu quy hoạch phát triển; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức, đang xuống cấp và lạc hậu. Chăn nuôi chưa thực sự phát triển theo chiều sâu, chất lượng và sức cạnh tranh chưa cao do giá thành cao; áp dụng công nghệ mới chưa đồng bộ. Vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, số lượng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, VietGap còn hạn chế; chưa hình thành chuỗi sản xuất ra sản phẩm an toàn. Vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trong chăn nuôi đang trở lên bức xúc hiện nay.
Vì vậy, theo ông Thắng, chăn nuôi muốn hạ giá thành và sản xuất bền vững, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cần tập hợp, liên kết với nhau để cùng ký hợp đồng với doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y thì mới có thể vượt qua khó khăn và trụ vững.
Liên kết để phát triển chăn nuôi bền vững
Ông Nguyễn Quốc Quân, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Việt Nhật
Theo Nguyễn Quốc Quân, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Công nghệ Dinh dưỡng Việt Nhật, có 7 yếu tố chi phối đến hiệu quả chăn nuôi mà nhà chăn nuôi cần chú ý: (1) Giống là yếu tố đầu tiên; (2) Thức ăn chiếm 65% giá thành sản xuất chăn nuôi. (3) Môi trường chuồng trại, nguồn nước; (4) Thú y: phòng và tăng cường sức đề kháng, an toàn sinh học; (5) Quản lý; (6) Vốn: Chủ động vốn tự có, giá thành hợp lí; ngân hàng, quỹ tín dụng; (7) Đầu ra do cung cầu quyết định.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Quốc Quân, trong bối cảnh chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, để giảm chi phí thức ăn chăn nuôi, các hợp tác xã nên trực tiếp đứng ra mở mã mua hàng với nhà máy; và nếu có nguồn vốn lãi suất thấp để trả trước sẽ giảm được từ 20.000-30.000 đồng/bao cám, tương đương khoảng 10% chi phí thức ăn chăn nuôi. Nhưng với điều kiện là các HTX chỉ sử dụng trong sản xuất chăn nuôi, không được thương mại ra bên ngoài.
PGS.TS Lê Văn Phan, Giảng viên Khoa Thú y (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) trình bày tại hội nghị
Còn theo PGS.TS Lê Văn Phan, Giảng viên Khoa Thú y (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) trong bài chia sẻ về tình hình Dịch tả heo châu Phi tại Việt Nam, đưa ra lời khuyên cho nhà chăn nuôi: Để phòng và kiểm soát ASF, đó là nên tăng cường nhận diện nguy cơ với trại, thực hành tốt về an toàn sinh học. Cùng với đó, chú ý kiểm soát bệnh chủ động, bằng cách thường xuyên xét nghiệm, kiểm tra xem trong trại có mầm bệnh hay không hoặc hiệu quả tiêm chủng vắc xin ra sao. Nếu tập trung chăn nuôi theo chiều sâu bằng cách nâng cao năng suất chăn nuôi, giảm chi phí thì nhà chăn nuôi sẽ trụ được với nghề.
Cũng trong khuôn khổ của hội nghị, các HTX, doanh nghiệp, đơn vị cùng nhau kí kết hợp đồng về cung cấp đầu vào và đầu ra cho chăn nuôi. Theo đó, các hợp tác xã kí kết hợp đồng với hai doanh nghiệp sẽ được hưởng mức giá ưu đãi, với điều kiện chỉ sử dụng các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cho mục đích phục vụ chăn nuôi tại hợp tác xã của mình, không bán ra ngoài. Nếu hai công ty phát hiện vi phạm, sẽ kết thúc hợp đồng.
Ông Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc (đại diện cho các HTX, tổ hợp tác, trang trại trong tỉnh), ông Nguyễn Quốc Quân – Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Công nghệ Dinh dưỡng Việt Nhật, ông Phạm Văn Giáp – Phó tổng giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tuấn Giám đốc Công ty Phát Đạt (Đơn vị tiêu thụ sản phẩm) kí kết hợp đồng
HTX thương mại – chăn nuôi Minh Trang (Thị trấn Gia Khánh – huyện Bình Xuyên); HTX Chăn nuôi công nghệ Cao (xã Cao Đại – huyện Vĩnh Tường); HTX Dịch vụ điện và Chăn Nuôi (xã Trung Kiên – huyện Yên Lạc); HTX môi trường và chăn nuôi Đồng Quế (xã Đồng Quế – huyện Sông Lô); Trang trại Hoàng Văn Viện xã Cao Minh, Phúc Yên kí kết với Công ty Cổ phần Công nghệ Dinh Dưỡng Việt Nhật về cung cấp thức ăn chăn nuôi.
HTX thương mại – chăn nuôi Minh Trang (Thị trấn Gia Khánh – huyện Bình Xuyên); HTX Chăn nuôi công nghệ Cao (xã Cao Đại – huyện Vĩnh Tường); HTX Dịch vụ điện và Chăn Nuôi (xã Trung Kiên – huyện Yên Lạc); HTX môi trường và chăn nuôi Đồng Quế (xã Đồng Quế – huyện Sông Lô); Trang trại Hoàng Văn Viện xã Cao Minh, Phúc Yên kí kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Toàn Thắng
Cũng trong hội thảo, TS Phạm Thị Tố Oanh – Trưởng ban Chính sách và phát triển HTX – Liên minh HTX Việt Nam cũng trả lời về một số số chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo. Ông Phạm Văn Giáp – Phó tổng giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển HTX – Liên minh HTX Việt Nam cho biết về điều kiện và các thủ tục cần thiết để được vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi.
Nguồn: Tạp chí chăn nuôi Việt Nam